30/08
Sáng ngày 29/8, hội thảo "Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG - Làm gì, từ đâu?" trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn ESG Việt Nam được báo Dân trí tổ chức thành công tại TPHCM; thu hút sự tham dự của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xi măng, Tập đoàn Xi Măng Hoang Long luôn quan tâm tới việc xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững theo định hướng ESG. Tại hội thảo lần này, bà Nguyễn Thu Hằng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, và bà Nguyễn Thị Soan - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Xi Măng Sài Sơn đã tham dự hội thảo với mong muốn lĩnh hội những kiến thức, kinh nghiệm để có thể áp dụng phù hợp với chiếc lược và thực tiễn của Tập đoàn.
Với những nội dung hấp dẫn, đa dạng đa chiều, quý khách tham gia hội thảo có cơ hội kết nối với chuyên gia có kinh nghiệm về ESG và quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG; tiếp cận giải pháp quản trị theo định hướng ESG - yếu tố sống còn với doanh nghiệp hướng tới tối đa hóa hiệu quả, lợi nhuận, phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc, nhà báo Phạm Tuấn Anh - Tổng biên tập báo Dân trí - cho biết, sự kiện này là một dấu mốc quan trọng, nằm trong chuỗi hoạt động ý nghĩa của Diễn đàn ESG Việt Nam do báo Dân trí dành nhiều tâm huyết tổ chức.
"Chúng tôi tin rằng, thông qua sự chia sẻ và hợp tác, chúng ta sẽ tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, cùng nhau hướng tới mục tiêu phát triển bền vững", ông Tuấn Anh nói.
Sự kiện còn có sự tham dự của đội ngũ diễn giả là lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia hàng đầu về quản trị doanh nghiệp, có tầm ảnh hưởng ở lĩnh vực ESG trong nước và quốc tế. Các diễn giả đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong việc thực hành quản trị theo ESG, nêu các giải pháp nhằm hướng tới tối đa hóa hiệu quả, lợi nhuận, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Trong phần tham luận, PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM - trình bày nội dung với chủ đề "Doanh nghiệp Việt liệu đã sẵn sàng thực thi ESG?".
Ông Trung khẳng định chuyển đổi số và ESG là 2 chủ đề nổi bật và được ưu tiên cao trong cộng đồng doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Doanh nghiệp ngày càng chú trọng xây dựng những nền tảng dữ liệu trong việc quản lý chuỗi cung ứng, từ đó đánh giá các tác động môi trường.
Phần thảo luận, các diễn giả, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cùng nêu giải pháp cho câu chuyện quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, các thành viên tham gia thảo luận cũng đưa ra các đề xuất, các vấn đề cần xử lý để giúp doanh nghiệp có thể tiến tới thực hành quản trị theo định hướng ESG một cách bài bản hơn.
Tiến sĩ Bùi Thanh Minh - Phó giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) - cho rằng năng lực của doanh nghiệp Việt hiện tại vẫn còn hạn chế, đặc biệt là về quản trị. Nhìn vào nền kinh tế, ông thấy có 2 đặc trưng rất nổi bật: 94% doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vì vậy nguồn vốn và nội lực yếu; mô hình quản trị không chuyên nghiệp.
Hiện tại, phát triển bền vững là xu hướng phát triển không thể đảo ngược của thế giới. Vì vậy, bài toán quản trị doanh nghiệp cũng phải thay đổi để thích nghi, tích hợp yếu tố bền vững. Đó là con đường phải đi qua nếu muốn doanh nghiệp lớn mạnh, vươn ra toàn cầu.
Theo ông, quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG vừa giúp doanh nghiệp giải quyết điểm yếu vốn có về quản trị, lại tận dụng được cơ hội từ xu hướng ESG. Quản trị tích hợp ESG vừa là thuốc chữa bệnh, vừa là thuốc bổ cho doanh nghiệp. Điểm quan trọng là lựa chọn liều lượng phù hợp để có doanh nghiệp khỏe mạnh.
Nói về thách thức lớn nhất khi triển khai ESG, PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM - cho rằng tiền là một trong những vấn đề quan trọng. Quan trọng hơn nữa là bao nhiêu tiền và dòng tiền đến đúng đích không? Câu chuyện ESG là công cụ để quản lý hiệu quả hơn, tạo ra tiền, chứ không phải chỉ là quản lý chi phí.
Bà Phạm Thị Quỳnh Vi - Giám đốc Chất lượng, Tập đoàn FPT - nói việc triển khai ESG rất quan trọng. Từ 5 năm trước, khi tập đoàn bắt đầu triển khai cũng là lúc doanh nghiệp đi học. Tập đoàn công nghệ của Việt Nam học chính các khách hàng lớn của mình như Canon, Hitachi, Airbus, Boeing… Doanh nghiệp cũng học định vị tập đoàn FPT so với tập đoàn Ấn Độ.
Về chi phí, bà Vi cho rằng học về ESG không đáng bao nhiêu, không cần chi quá nhiều tiền cho ESG. Nhưng khi thực thi ESG, với FPT, tài chính là vấn đề quan trọng nhưng cũng thách thức lớn. Riêng về tài chính, doanh nghiệp phải chi tiêu thông minh.
Ông Nguyễn Đức Minh - Phó chủ tịch Hội Sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội - nói ESG có 2 vấn đề, là bắt buộc và tự nguyện. Tự nguyện quan trọng nhất là nhận thức. Doanh nghiệp đầu tư vào ESG chính là tạo ra giá trị. Khách hàng được nhận những giá trị vô hình này.
Với một chuẩn mực mới, thế hệ trẻ ý thức tốt hơn về chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp thực hiện ESG truyền thông cho tập thể, xã hội cam kết với môi trường, xã hội thì đừng nghĩ đó là lãng phí.
Tiến sĩ Bùi Thanh Minh nói thực hành ESG phải là dữ liệu kể chuyện. Doanh nghiệp muốn chứng minh sự quan tâm đến người lao động thì phải xây dựng dữ liệu để thống kê.
Doanh nghiệp Việt vẫn còn nhiều khó khăn nên khi chi ra 1 đồng thì phải tính toán. Trước tiên, doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật, sau đó phải tính đến tích hợp. Con người, doanh nghiệp Việt Nam khi nhìn thấy bài toán lớn, mọi người có thể chia sẻ nguồn lực, chung tay truyền thông.
"Chúng ta liệu cơm gắp mắm, có nguồn lực ở mức độ nào thì thực hành ở mức độ đó miễn là chúng ta không nói quá phần mình làm được", ông Minh nói.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung cho rằng chi phí nên là tiềm năng để quy ra tiền, bao gồm cả vấn đề môi trường, xã hội. ESG không đơn thuần là giải pháp, sáng kiến mà là cơ hội để thay đổi tư duy kinh doanh.
Với quan điểm tư duy kinh doanh, mọi thứ đều có khả năng kiếm ra tiền, tư duy hướng về tạo ra lợi nhuận, đồng thời giải quyết vấn đề môi trường, xã hội. ESG là cơ hội để chuyển mình, biến tư duy sợ sai, sợ ảnh hưởng đến môi trường thành tiền.
Tiến sĩ Lê Thái Hà - Giám đốc điều hành quỹ VinFuture, Giám đốc Điều hành Quỹ Vì tương lai xanh - cho rằng không có công thức chung cho ESG áp dụng với tất cả doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp đều có đặc thù riêng về ngành nghề, quy mô, định hướng phát triển. Do đó, việc thuê các đơn vị tư vấn ở giai đoạn đầu cần thiết nếu doanh nghiệp tự đánh giá năng lực nội bộ không đủ nguồn lực cũng như kiến thức để triển khai ESG.
Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp cần làm việc sát sao với các đơn vị tư vấn để họ hiểu sâu sắc về hoạt động kinh doanh, bản sắc của doanh nghiệp. Quá trình triển khai ESG các bên cần làm rõ vai trò.
Hiện nay có rất nhiều mô hình ESG, biến thể các mô hình ESG cũng như các loại báo cáo ESG, do đó vai trò của đơn vị tư vấn rất quan trọng. Việc thuê tư vấn sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian. Nhưng doanh nghiệp cần lưu ý mình đóng vai trò quan trọng nhất và phải tự lực triển khai ESG.